Mùa xuân 1992, các chiến thắng ban đầu của người Armenia Chiến_tranh_Nagorno-Karabakh

Khojaly

Cộng hòa Armenia bác bỏ việc họ cung cấp vũ khí, xăng dầu, lương thực và hậu cần cho lực lượng nổi dậy ở Nagorno-Karabakh. Tuy nhiên, về sau Ter-Petrossian thừa nhận là đã cung cấp hậu cần, cũng như trả lương cho quân nổi dậy, nhưng không thừa nhận việc gửi quân sang trực tiếp tham chiến. Armenia phải đối mặt với một cuộc phong tỏa nặng nề từ phía Azerbaijan cũng như chịu sức ép từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, vốn cùng nguồn gốc dân tộc và có mối liên hệ lịch sử với Azerbaijan[37]. Con đường bộ duy nhất nối liền Armenia với Karabakh phải xuyên qua vùng núi hành lang Lachin. Sân bay duy nhất ở vùng này nằm ở thị trấn nhỏ Khojaly, chừng 7 km về phía bắc Stepanakert với dân cư từ 6 đến 10 ngàn người. Thêm vào đó, Khojaly còn đóng vai trò căn cứ pháo binh kể từ ngày 23 tháng 2, bắn phá các đơn vị Armenia và Nga tại thủ phủ Stepanakert[27]. Tới cuối tháng 2, Khojaly hầu như đã bị phong tỏa hoàn toàn. Ngày 26 tháng 2, các lực lượng Armenia, được xe bọc thép của trung đoàn 366 của Nga hỗ trợ, mở cuộc tấn công đánh chiếm Khojaly.

Theo phía Azerbaijan và một số tổ chức khác, và tiểu sử của một chỉ huy cao cấp Armenia, Monte Melkonian, do anh trai của ông ghi lại và xuất bản,[38], sau khi các lực lượng Armenia chiếm được Khojaly, họ tiến hành thảm sát hàng trăm dân thường chạy di tản khỏi thị trấn. Phía Armenia trước đó đã tuyên bố họ sẽ tấn công thị trấn, nhưng bỏ ngỏ một hành lang cho dân thường chạy tị nạn. Tuy nhiên, khi cuộc tấn công diễn ra, quân Armenia dễ dàng đè bẹp quân phòng thủ. Quân Azerbaijan cùng dân chúng bỏ chạy về thành phố Agdam ở phía bắc, vẫn còn do người Azeri kiểm soát. Đường băng của sân bay bị cố tình phá hủy, không thể sử dụng được. Lực lượng tiến công tiếp đó truy kích những người bỏ chạy và bắn vào họ, khiến cho hàng chục dân thường bị thiệt mạng.[38] Đối mặt với cáo buộc thảm sát dân thường, chính quyền Armenia bác bỏ việc thảm sát xảy ra, và xác nhận chiến dịch tấn công nhằm khóa họng pháo binh từ Khojaly.[39] Không có con số chính xác về số người thiệt mạng, nhưng ước tính tối thiểu có 485 người chết.[16] Theo phía Azerbaijan, trong thời gian từ 25–26 tháng hai, có 613 thường dân, trong đó có 106 phụ nữ và 83 trẻ em, bị thiệt mạng[40].

Theo báo cáo của tổ chức quyền con người Helsinki Watch, cho biết, quân đặc nhiệm Azerbaijan OMON và "dân quân, mặc quân phục và mang theo vũ khí, chạy lẫn vào dân thường", có lẽ là nguyên nhân khiến lực lượng Armenia nổ súng vào họ[41].

Đánh chiếm Shusha

Sau sự kiện Khojaly, tổng thống Azerbaijan, Ayaz Mutalibov buộc phải từ chức vào ngày 6 tháng 3, năm 1992, dưới sức ép dư luận do thất bại trong việc bảo vệ và di tản dân cư ở Khojaly. Trong các tháng tiếp theo, các chỉ huy người Azeri, bám trụ ở thành lũy cuối cùng Shusha trong vùng, tiến hành một cuộc bắn phá quy mô lớn vào thủ phủ Stepanakert sử dụng các dàn hỏa tiễn nhiều nòng Grad. Tới tháng 4, các cuộc bắn phá khiến cho 50.000 người sống tại Stepanakert phải trú ẩn trong các công sự và tầng hầm[29]. Đối mặt với các cuộc xâm nhập bằng bộ binh vào các vị trí ngoại vi thành phố, các chỉ huy quân sự Nagorno-Karabakh tổ chức một chiến dịch đánh chiếm thị trấn này.

Ngày 8 tháng 5, một lực lượng gồm hàng trăm quân Armenia, hỗ trợ bởi xe tăng và máy bay trực thăng, tiến công pháo đài Shusha. Giao tranh quyết liệt diễn ra trên đường phố thị trấn, khiến cho hàng trăm người thuộc cả hai phía thiệt mạng. Không chống lại nổi lực lượng áp đảo, chỉ huy Azeri tại Shusha hạ lệnh tháo lui, giao tranh chấm dứt ngày 9 tháng 5.[31]

Việc Shusha thất thủ làm rung động Thổ Nhĩ Kỳ. Quan hệ giữa quốc gia này và Armenia vốn đã trở nên tốt hơn sau khi Armenia giành được độc lập, nhưng dần xấu đi từ khi Armenia chiếm được ưu thế tại Nagorno-Karabakh. Người Armenia vẫn thù oán người Thổ, kể từ cuộc diệt chủng Armenia do Thổ Nhĩ Kỳ tiến hành từ trước khi Liên Bang Xô Viết hình thành.[42]. Nhiều người Armenia vẫn gọi chung người Azeris là "Thổ", vì họ có chung nguồn gốc dân tộc. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ, Suleyman Demirel, cho biết ông chịu sức ép nặng nề phải can thiệp và hỗ trợ Azerbaijan. Tuy nhiên Demirel phản đối chính sách can thiệp, cho rằng việc Thổ Nhĩ Kỳ can thiệp sẽ làm bùng nổ cuộc xung đột Hồi giáo - Thiên chúa giáo (người Thổ đa phần theo Hồi giáo).[43]

Thổ Nhĩ Kỳ tuy không gửi quân tham chiến, nhưng viện trợ một số lớn trang thiết bị quân sự và cố vấn cho Azerbaijan. Tháng 5 năm 1992, chỉ huy các lực lượng SNG, Nguyên soái Yevgeny Shaposhnikov, ra một thông cáo, cảnh cáo các quốc gia phương tây, đặc biệt là Hoa Kỳ, không nên can thiệp vào cuộc xung đột tại Caucasus; vì sẽ đẩy "chúng tôi [SNG-Cộng đồng các quốc gia độc lập] tới bờ đại chiến thế giới lần thứ ba, và việc đó là không thể chấp nhận được."[13]

Một cánh quân Chechnya, chỉ huy bởi Shamil Basayev, cũng tham chiến, theo đại tá người Azeri Azer Rustamov, năm 1992, "hàng trăm quân tình nguyện Chechen do Shamil Basayev và Salman Raduev chỉ huy, dành cho chúng tôi sự giúp đỡ to lớn trong các trận đánh". Basayev được cho là một trong số các chiến binh cuối cùng rút khỏi Shusha. Basayev về sau kể lại là trong đời binh nghiệp của mình, ông ta và tiểu đoàn của mình chỉ thất trận một lần duy nhất, và đó là trận chiến ở Karabakh đánh lại tiểu đoàn "Dashnak". Ông ta cho biết ông rút cánh quân mujahideen của mình khỏi cuộc xung đột, khi chiến sự trở nên mang tính dân tộc chủ nghĩa, hơn là thánh chiến. Cũng tại đây Basayev lần đầu biết đến Amir Ibn Khattab[44] Bộ quốc phòng Azerbaijan bác bỏ việc Khatab tham chiến ở đây.[45]

Phong tỏa Lachin

Việc Shusha thất thủ khiến quốc hội Azeri buộc Mamedov phải chịu trách nhiệm, rồi phế truất ông ta, đồng thời dỡ bỏ mọi trách nhiệm Mutalibov phải chịu trong việc Khojaly thất thủ, rồi bổ nhiệm ông lên làm Tổng thống ngày 15 tháng 5 năm 1992. Nhiều người Azeris xem động thái này là một cuộc đảo chính, cùng với việc bãi bỏ cuộc bầu cử quốc hội theo dự định sẽ tiến hành vào tháng 6 năm đó. Quốc hội Azeri khi đó bao gồm chủ yếu là các lãnh đạo Cộng sản cũ, việc mất Khojaly và Shusha chỉ làm tăng thêm mong muốn của dân chúng tiến hành bầu cử tự do...[13]

Thêm vào tình hình vốn đã rối bời, người Armenia mở cuộc tấn công ngày 18 tháng 5 để đánh chiếm thị trấn Lachin trên hành lang hẹp chiến lược ngăn cách Armenia và Nagorno-Karabakh. Thị trấn này chỉ được phòng ngự rất sơ sài, nên chỉ trong ngày hôm sau, người Armenia đã chiếm được thị trấn và càn quét tàn quân Azeris để mở con đường tiếp nối với Armenia, cho phép các đoàn xe tiếp viện có thể băng qua con đường đèo Lachin tiến vào Karabakh.[46]

Việc Lachin thất thủ là đòn cuối cùng giáng vào chế độ Mutalibov. Các cuộc biểu tình diễn ra bất chấp lệnh cấm, rồi cuộc đảo chính của những người theo Mặt trận bình dân nổ ra. Giao tranh giữa quân chính phủ và người của Mặt trận bình dân ngày càng ác liệt, phe đối lập chiếm được nhà quốc hội ở Baku và sân bay cùng với phủ tổng thống. Ngày 16 tháng 6 năm 1992, Abulfaz Elchibey được bầu làm lãnh đạo Azerbaijan, nhiều thủ lĩnh của Đảng Mặt trận bình dân cũng được bầu vào nghị viện. Những người chủ xướng cuộc nổi dậy cáo buộc Mutalibov là không hết mình và yếu kém trong cuộc chiến ở Karabakh. Elchibey nhất quyết phản đối việc nhờ Nga hỗ trợ, thay vào đó tìm kiếm liên kết chặt chẽ với Thổ Nhĩ Kỳ.[47]